VICEM Bút Sơn - Hiệu quả từ kinh tế tuần hoàn không phát thải

Cập nhật: 8/8/2022 12:01:00 PM

Ngành công nghiệp xi măng vốn tiêu tốn nhiều tài nguyên và năng lượng. Vì vậy, việc thay thế dần nhiên liệu hóa thạch và nguyên liệu thô bằng các sản phẩm từ chất thải là hướng đi đang được lựa chọn.

Công ty CP Xi măng VICEM Bút Sơn - thành viên của Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM), là doanh nghiệp tiên phong trong nghiên cứu, sáng tạo áp dụng hiệu quả công nghệ về triển khai Chương trình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất.

Hiện thực hóa chủ trương, chính sách

Năm 2020, VICEM Bút Sơn bắt đầu thực hiện xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường và bùn thải, tro xỉ làm nguyên, nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi măng. Công ty đã xây dựng hệ thống dây chuyền xử lý rác thải gắn liền với quá trình sản xuất xi măng theo phương pháp đồng xử lý chất thải tại lò nung clinker với các điểm cấp chất thải làm nhiên liệu thay thế ở vòi đốt lò nung và buồng phân hủy calciner. Đến nay, tỷ lệ rác thải thay thế đạt gần 30%, bùn thay thế đạt gần 5%, vượt xa so với mục tiêu ban đầu đề ra.

Khi hệ thống xử lý rác đi vào hoạt động trong năm 2020, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, nhưng tỷ lệ sử dụng rác làm nhiên liệu thay thế than cám đạt 8 - 10%, với khối lượng xử lý bình quân 110 - 130 tấn rác/ngày, tổng khối lượng rác đã sử dụng là 40.300 tấn. Đến năm 2021, Công ty tối ưu hoá hệ thống, nâng tỷ lệ đốt rác làm nhiên liệu thay thế lên đạt 21 - 22%, khối lượng xử lý bình quân gần 300 tấn/ngày, hiện nay đã đạt tỷ lệ thay thế trên 25% tương đương 400 tấn/ngày tổng khối lượng xử lý 92.500 tấn rác công nghiệp các loại. 

Từ thành công xử lý rác thải và bùn thải thông thường, đầu năm 2022, theo Quyết định số 7253/BTNMT-TCMT của Bộ TN&MT ngày 29/11/2021. VICEM Bút Sơn tiếp tục thử nghiệm vận hành đồng xử lý chất thải nguy hại, với khối lượng xử lý tăng thêm khoảng 1.400 tấn chất thải nguy hại/tháng. Chất thải rắn nguy hại được xử lý bao gồm: bùn thải, các loại đất đá thải có nhiễm độc hại, chất thải nguy hại dạng rắn khác có dính dầu (giẻ lau, nhựa vụn, bao bì, dầu thải…) với hệ thống xử lý rác thải công nghiệp tự động với 100% thiết bị được chế tạo trong nước. 

Qua quá trình nghiên cứu và thực nghiệm cho thấy, xử lý chất thải trong lò nung khi nhiệt độ ở buồng phân hủy khoảng 1.150 ÷ 1.5000C và lên đến 1.9000C rác thải được đốt hoàn toàn, không có phát thải thứ cấp về tro xỉ hoặc các khí gây hại như đioxin, furans. Với thời gian lưu cháy dài (với khí: gần 60 giây, với chất rắn: khoảng 30 phút) trong môi trường kiềm cao, đảm bảo rác thải cháy triệt để và trung hòa, hấp thụ các chất khí, chất thải rắn, axít phát sinh khi đốt rác; Bên cạnh đó, tận dụng lượng nhiệt năng từ chất thải khi thiêu hủy để thay thế một phần than.

Việc sử dụng bùn thải, tro xỉ thay thế đất sét trong sản xuất clinker, làm phụ gia xi măng, giảm tối đa việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên không tái tạo và góp phần giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, toàn bộ tro sinh ra trong quá trình xử lý tạo thành khoáng và nằm lại trong clinker xi măng, không để lại tro thải hay phát sinh khí thải độc hại. 

Toàn bộ quá trình sản xuất xi măng và đồng xử lý chất thải được giám sát tự động liên tục thông qua hệ thống điều hành và kiểm soát chất lượng bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng sản phẩm và các tiêu chí phát thải môi trường. Việc đồng xử lý chất thải đã đem lại hiệu quả: giảm từ 100 - 150ppm nồng độ khí NOx trong khí thải, giảm khoảng 6 - 8% lượng CO2 quy đổi phát sinh hằng năm ra môi trường của mỗi dây chuyền sản xuất (trong năm 2020 và 2021, Công ty đã giảm phát thải 275.149 tấn CO2).

Năm 2020, hiệu quả từ chương trình đồng xử lý chất thải mang lại là 40,12 tỷ đồng. Trong đó, hiệu quả từ việc xử lý bùn thải 2,65 tỷ đồng, từ đốt rác thải 15,13 tỷ đồng và hiệu quả từ sử dụng tro, xỉ, thạch cao nhân tạo là 22,34 tỷ đồng. Năm 2021, các con số này lần lượt là: 86,99; 17,56; 44,32 và 25,11 tỷ đồng. 

Chỉ trong 2 năm, bằng sự quyết tâm cao, sự đồng lòng của lãnh đạo và người lao động, dưới sự chỉ đạo định hướng của Tổng công ty, VICEM Bút Sơn đã tự nghiên cứu, thiết kế xây dựng một hệ thống dây chuyền xử lý rác thải tích hợp với hai dây chuyền sản xuất clinker với 100% thiết bị được chế tạo trong nước, chi phí 54 tỷ đồng chỉ bằng khoảng 15 - 20% so với nhập khẩu công nghệ và thiết bị nước ngoài, hiệu quả thu hồi vốn chỉ 12 - 14 tháng.

Với hệ thông dây chuyền đồng bộ, tự động từ khâu tiếp liệu đầu vào kho chứa đến phân loại rác, băng chuyền vận chuyển, hệ thống két chứa, cân định lượng, đến hệ thống van quay kín khí cấp rác vào Calciner của lò nung đều được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và môi trường. 

Qua quá trình nghiên cứu chuyên sâu, đội ngũ kỹ thuật đã xác định được mỗi dây chuyền lò nung clinker có 5 ÷ 6 điểm có thể cấp chất thải để đồng xử lý tuỳ thuộc đặc tính từng loại chất thải. 

Hướng đến sản suất xanh và bền vững

Lãnh đạo VICEM Bút Sơn cho biết, trong những năm tiếp theo, Công ty tiếp tục mở rộng nghiên cứu, thử nghiệm một số chương trình về vật liệu xây dựng carbon thấp, xi măng thân thiện với môi trường, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, tham gia quá trình chuyển đổi xây dựng không carbon.

Hướng đến các chương trình hành động của Chính phủ và Bộ ngành trong lĩnh vực vật liệu xây dựng nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP 26) đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

VICEM Bút Sơn đã đưa ra thị trường các sản phẩm clinker và xi măng low-carbon với chỉ số phát thải CO2 thấp; Các dòng sản phẩm bê tông thân thiện với môi trường như xi măng sử dụng cấp phối là vật liệu xây dựng đổ thải, bê-tông sử dụng cát biển và nước biển cho các vùng hải đảo và vùng bị ảnh hưởng bởi ngập mặn, xi măng đất sét nung LC3; Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ về thu giữ và sử dụng carbon (carbon capture use & storage - CCUS) trong khí thải lò nung xi măng.

Để các kết quả nghiên cứu, thực nghiệm của chương trình đem lại hiệu quả sâu rộng hơn nữa trong thực tiễn, VICEM Bút Sơn đề xuất với Chính phủ, Bộ Xây dựng các cơ quan liên quan trước tiên có cơ chế, chính sách tài chính ưu đãi đặc biệt cho việc thu gom, phân loại, sơ chế, vận chuyển chất thải từ khu vực bãi thải đến địa điểm xử lý của các nhà máy xi măng.

Bên cạnh, có những hỗ trợ đầu tư đối với các dây chuyền sản xuất xi măng hệ thống đồng xử lý chất thải; chính sách ưu tiên sử dụng các sản phẩm xi măng có đóng góp cho hoạt động bảo vệ môi trường trong các dự án sử dụng ngân sách nhà nước. Đồng thời kiến nghị Chính phủ, các Bộ ngành xem xét hỗ trợ kết nối với các nguồn vốn từ các tổ chức tài chính, ngân hàng trong và ngoài nước, đầu tư cho các dự án đồng xử lý chất thải cũng như các chương trình về giảm phát thải CO2 trong nhà máy xi măng.

Hy vọng trong những năm tới Nhà nước có những quy định, hướng dẫn cụ thể và cơ chế, chính sách hỗ trợ, để VICEM Bút Sơn thành công hơn trong mô hình đồng xử lý rác thải trong sản xuất xi măng và trở thành một điển hình về xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thân thiện với môi trường.

tapchixaydung.vn

tin cũ hơn